Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang

Xem với cỡ chữ: A- A A+
Công đoàn An Giang: quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh

              Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 19/5/2021, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 1979/CTr-LĐLĐ đề ra 03 nội dung lớn với 07 nhóm chỉ tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh vào thực tiễn phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động Công đoàn tỉnh. Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử cơ quan LĐLĐ tỉnh xin lược ghi một số nội dung, cụ thể:

            * 3 nội dung chính:

            1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh trong hệ thống Công đoàn tỉnh.

           2. Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn

            3. Tham gia xây dựng Đảng và chính quyền

* Một số nhóm chỉ tiêu:

– Phấn đấu 100% công đoàn cấp trực tiếp cơ sở, có 80% công đoàn cơ sở  trở lên tổ chức quán triệt, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh gắn với Nghị quyết Đại hội Chi, Đảng bộ  cùng cấp có hiệu quả trong thực tiễn hoạt động công đoàn.

– Phấn đấu trên 80% cán bộ, đoàn viên và người lao động được phổ biến, học tập và chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;. Phấn đấu có từ 70% đoàn viên và người lao động được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

– 100% các cuộc tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công có sự tham gia giải quyết của tổ chức công đoàn; Phấn đấu có từ 90% trở lên doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể; Có 90% các bản thỏa ước lao động tập thể có các nội dung có lợi hơn quy định của pháp luật, ít nhất 45% thỏa ước lao động tập thể được phân loại chất lượng đạt loại B trở lên (trong đó, quan tâm đến các nội dung tiền lương, thời gian làm việc, chất lượng bữa ăn ca…).

– Hàng năm, có 100% doanh nghiệp nhà nước và 80% trở lên doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước tổ chức Hội nghị người lao động; có 100% doanh nghiệp nhà nước và 70% trở lên doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.

– Hàng năm có 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 80% CĐCS doanh nghiệp có đông lao động đề xuất cấp ủy, chính quyền, chủ doanh nghiệp cùng cấp tổ chức ít nhất 01 cuộc đối thoại với đoàn viên, người lao động tại địa phương. Hàng năm xây dựng, sửa chữa ít nhất 100 căn nhà “Mái ấm công đoàn”.

– Phấn đấu hàng năm có từ 1.000 giải pháp, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong lao động sản xuất, công tác chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng đoàn viên, người lao động đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh.

– Phấn đấu đến năm 2025, mỗi cấp công đoàn phải xây dựng và duy trì ít nhất 01 mô hình hoạt động hiệu quả trong hoạt động công đoàn.

Phấn đấu đến năm 2025 có từ 95% trở lên số lượng công nhân, viên chức, lao động gia nhập tổ chức công đoàn; 100% doanh nghiệp có 20 lao động trở lên có tổ chức công đoàn; 70% trở lên cán bộ CĐCS được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ công đoàn.

Phấn đấu đến năm 2025, bình quân mỗi CĐCS giới thiệu ít nhất 01 đoàn viên ưu tú cho đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp.

* Những nhiệm vụ, giải pháp chính

Tập trung tuyên truyền, giáo dục, giúp đoàn viên, người lao động (NLĐ) nâng cao nhận thức về giai cấp, về Đảng, về chế độ, về tổ chức Công đoàn, về sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam; Các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông theo chiều rộng, trực tiếp, đa dạng, phù hợp đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức trong đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

 Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với những tiêu chí cụ thể, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, CNVCLĐ.

Nâng chất hoạt động và phát huy hiệu quả lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, công đoàn các cấp; xây dựng lực lượng nòng cốt chủ động tiếp cận, nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội trong công nhân lao động, nhất là ở các địa bàn nhạy cảm. Củng cố và phát triển mô hình Tổ tự quản nhà trọ công nhân đối với những địa bàn có đông công nhân lao động, nhân rộng các mô hình tuyên truyền mới, hiệu quả, có sức hấp dẫn người lao động.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động CNLĐ tự học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp thông qua các hoạt động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” gắn với các phong trào, các mô hình hoạt động thường xuyên của tổ chức Công đoàn như: phong trào “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”, các hội thi nâng cao tay nghề. Đề xuất chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tạo điều kiện thời gian, vật chất, hỗ trợ kinh phí tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hội thi nâng cao tay nghề để NLÐ có cơ hội học tập, tham gia các lớp đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, tham gia các cuộc thi nâng cao tay nghề, thợ giỏi.

Nghiên cứu tham gia góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, quyền của tổ chức công đoàn, bảo đảm cho người lao động có việc làm ổn định, thu nhập, đảm bảo đời sống.

 Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thương lượng tập thể đảm bảo thực chất và hiệu quả. Tăng cường vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ, tư vấn cho công đoàn cơ sở trong quá trình đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; đặc biệt là thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật; hướng dẫn, tư vấn cho người lao động giao kết hợp đồng lao động.

Tham gia xây dựng và giám sát có hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng chất lượng hoạt động Ban Thanh tra nhân dân công đoàn. Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại giữa người sử dụng lao động và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền để lắng nghe ý kiến và kịp thời giải quyết các kiến nghị của đoàn viên, người lao động.

Tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật Lao động, Công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chất lượng bữa ăn giữa ca ở các doanh nghiệp; kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm những doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội và vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Phát triển, đa dạng hóa các mô hình chăm lo lợi ích cho đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình phúc lợi, ưu đãi cho đoàn viên và người lao động, tăng cường chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần, chính trị cho đoàn viên công đoàn nhằm tạo sự tin tưởng, gắn bó của đoàn viên với tổ chức công đoàn.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mái ấm công đoàn”; Quỹ Xã hội công đoàn, Quỹ tương trợ giáo dục, các hoạt động xã hội công đoàn, tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội, tương trợ, giúp đỡ đoàn viên và người lao động gặp khó khăn.

Tranh thủ phối hợp, huy động các nguồn lực, quỹ đất để triển khai xây dựng thiết chế công đoàn được Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phê duyệt đầu tư tại Khu Công nghiệp Bình Hòa; phát huy hiệu quả tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao tại Khu Công nghiệp Bình Long; Nhà văn hóa Lao động; Tranh thủ vận động doanh nghiệp có từ 2.000 lao động trở lên quan tâm xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao cho công nhân;

 Tiếp tục phát động và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, người lao động, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; phong trào thi đua  “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” và xây dựng văn hóa công sởphong trào thi đua Dân vận khéo và Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới; phong trào thi đua “Xanh – sạch – đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”,  phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và “Giỏi việc nước, chia sẻ việc nhà” trong lực lượng đoàn viên CNVC gắn biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Tổ chức rà soát, khảo sát, đẩy mạnh phát triển CĐCS, tập trung thành lập CĐCS ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có từ 20 lao động trở lên theo phương châm “Ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức Công đoàn”. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch nâng chất hoạt động CĐCS và mô hình “Sát cơ sở, gần công nhân”

Tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, chú trọng các nội dung về chính sách, pháp luật lao động, kỹ năng thương lượng, đàm phán và vận động quần chúng, có năng lực, bản lĩnh đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động đoàn viên, CNVCLĐ thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng; thường xuyên phản ánh với Đảng những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để Đảng lãnh đạo Nhà nước hoàn thiện pháp luật, chế độ, chính sách liên quan đến công nhân.

CĐCS nơi chưa có tổ chức Đảng cần làm tốt công tác tuyên truyền, gây dựng, thúc đẩy việc thành lập tổ chức Đảng theo Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18/3/2019 Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Chú trọng theo dõi, bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, chú trọng đoàn viên là công nhân tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

 Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, ngành chức năng, các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội; Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy chế quy định MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

            Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, và tổ chức Công đoàn theo Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương.

BBT

Lượt xem: 44