Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang

Xem với cỡ chữ: A- A A+
Công đoàn An Giang nỗ lực đẩy lùi “tín dụng đen” trong công nhân
Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, các cấp Công đoàn tỉnh An Giang còn triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay, góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen” trong công nhân.

“Tín dụng đen” bủa vây công nhân
Lê Anh Tuấn (nhân vật đã được đổi tên) – công nhân Khu công nghiệp Vàm Cống, thành phố Long Xuyên kể: 2 năm trước, do cuộc sống khó khăn, cần tiền gấp để xoay xở, anh đã phải vay “tín dụng đen” 10 triệu đồng với lãi suất 60%/tháng (dân địa phương hay gọi là “bạc 60”).Do thu nhập thấp nên khoảng 3 tháng sau, Tuấn không còn khả năng đóng lãi. Anh liên tục bị các đối tượng khủng bố, đe dọa, thậm chí còn liên luỵ đến cả người thân, gia đình và công ty. Phải nhờ sự hỗ trợ của gia đình, anh Tuấn mới trả hết nợ.Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể giải quyết được số nợ khi sa vào “tín dụng đen” như anh Tuấn.Tại An Giang, nhiều năm qua, lợi dụng những khó khăn về tài chính của người dân nói chung và công nhân lao động nói riêng, nạn cho vay nặng lãi – “tín dụng đen” ngày càng diễn biến phức tạp. Đến nay, rất nhiều công nhân lao động ở tỉnh đã bị sa vào loại hình tín dụng này. Cuộc sống của họ vốn đã khó khăn, nay lại càng khốn đốn hơn. 

Công đoàn An Giang nỗ lực đẩy lùi “tín dụng đen” trong công nhân
Nạn “tín dụng đen” khiến nhiều công nhân khốn đốn. Ảnh: P.V.

Theo cơ quan chức năng, đã có trường hợp công nhân bị ép phải giao cả thẻ ngân hàng. Chỉ cần tới kỳ nhận lương thì đối tượng cho vay sẽ đến các cây ATM rút tiền cùng với công nhân. Với sức ép về nợ “tín dụng đen”, nhiều công nhân phải xin nghỉ việc, mất việc làm.

Khi nạn nhân không còn tiền để trả, các đối tượng còn dùng thủ đoạn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cán bộ công đoàn nhằm gây sức ép.

Công đoàn cùng chung tay đẩy lùi “tín dụng đen”

Đồng chí Nguyễn Hữu Giang – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang, cho biết: Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của công nhân, các đối tượng cho vay “tín dụng đen” đã công khai quảng bá dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn thông qua mạng xã hội, dán tờ rơi trước cổng các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp tỉnh.

An Giang: Quyết liệt đẩy lùi nạn “tín dụng đen” trong công nhân lao động

LĐLĐ tỉnh An Giang đã tích cực tổ chức truyền thông về nội dung “tín dụng đen” sâu rộng trong công nhân. Ảnh: C.T.

Trước thực trạng đó, LĐLĐ tỉnh An Giang đã phối hợp với cơ quan chức năng, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân lao động.

Nổi bật là thành lập Tổ chức tài chính vi mô (CEP) – chi nhánh Long Xuyên (đi vào hoạt động từ 14/1/2022), đến nay đã giải ngân được cho 2.715 đoàn viên, công nhân lao động với doanh số 76,5 tỷ đồng. Từ đó, giúp họ giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, không phải đi vay mượn tại các tổ chức tín dụng phi pháp.

Hằng năm, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức 20 cuộc tuyên truyền phòng, chống “tín dụng đen” trong các doanh nghiệp, các Tổ tự quản nhà trọ công nhân với hơn 3.000 công nhân lao động tham gia.

Đồng thời, đẩy mạnh các kênh thông tin tuyên truyền của tổ chức Công đoàn như: Trang thông tin điện tử, Facebook công đoàn các cấp, đặc biệt các kênh Facebook CĐCS doanh nghiệp có đông lao động cũng tăng cường tuyên truyền nhận diện các hành vi, chiêu thức của đối tượng cho vay “tín dụng đen”. Từ đó, giúp công nhân lao động đề cao cảnh giác.

An Giang: Quyết liệt đẩy lùi nạn “tín dụng đen” trong công nhân lao động
Phó Chù tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang phát biểu tham luận tại một Tọa đàm về ngăn chặn “tín dụng đen”. Ảnh: C.T.

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh cũng đẩy mạnh các hình thức chăm lo để giảm bớt khó khăn cho người lao động thông qua chương trình phúc lợi đoàn viên, thăm hỏi tặng quà các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp lễ, kỷ niệm trong năm.

Bên cạnh đó là tăng cường giám sát các chế độ chính sách cho người lao động như tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ, các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động, trao “Mái ấm công đoàn”, hỗ trợ CNVCLĐ vay vốn ở những kênh ngân hàng chính thống với lãi suất hợp lý.

Chủ các doanh nghiệp và CĐCS các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn tổ chức góp vốn xoay vòng trong CNVCLĐ không tính lãi để kịp thời giải quyết một số khó khăn trong sinh hoạt mua sắm điều trị bệnh của đoàn viên, người lao động.

Đại tá Trần Văn Thanh – Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết thêm: Đến nay, công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác phòng ngừa với nhiều hình thức như tham mưu Ban Chỉ đạo 138 các cấp xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình, phong trào, câu lạc bộ phòng chống tội phạm, mô hình xã hội hóa lắp camera an ninh, các mô hình tự quản; tổ chức 403 buổi tuyên truyền với 20.319 người tham dự, phát 2.109 tờ rơi kêu gọi tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

An Giang: Quyết liệt đẩy lùi nạn “tín dụng đen” trong công nhân lao động
Các cấp công đoàn An Giang đẩy mạnh các hình thức chăm lo để giảm bớt khó khăn cho người lao động, giúp họ tránh xa “tín dụng đen”. Ảnh: Đồng chí Lâm Thành Sĩ – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang trao quà cho công nhân lao động.

Để góp phần giúp công nhân lao động giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, tránh xa nạn “tín dụng đen”, đồng chí Nguyễn Hữu Giang cho biết, sắp tới LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung mọi điều kiện để CEP đáp ứng mọi nhu cầu vay vốn của CNVCLĐ và người lao động nghèo trên địa bàn.

Với gói vay 20.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai phục vụ công nhân lao động, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn là đầu mối để kết nối giúp đoàn viên, CNVCLĐ tiếp cận nguồn vốn này.

Hiện nay, LĐLĐ tỉnh An Giang đã lấy ý kiến khảo sát nhu cầu vay vốn trong đoàn viên, CNVCLĐ, nhất là tại các doanh nghiệp có đông lao động. Đồng thời, tăng cường triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động, nhất là người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Trường hợp có công nhân lao động gặp khó khăn đột xuất, CĐCS sẽ đề nghị doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ phù hợp hoặc đứng ra giới thiệu và bảo lãnh cho công nhân lao động vay tại các tổ chức tín dụng hợp pháp.

Đặc biệt, ở những nơi có “tín dụng đen” hoạt động, CĐCS sẽ phối hợp với chuyên môn xây dựng giải pháp cụ thể bảo vệ công nhân lao động và báo cáo lên công đoàn cấp trên để được hỗ trợ.

Ngày 25/3 vừa qua, Tạp chí Lao động và Công đoàn đã có buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh An Giang về công tác phối hợp tuyên truyền.

Đồng chí Nguyễn Lê Linh Châu – Trưởng Ban Tuyên giáo – Nữ công, LĐLĐ tỉnh An Giang đánh giá các nội dung tuyên truyền của Tạp chí Lao động và Công đoàn trong thời gian qua đã bám sát thực tiễn, phản ánh sâu sắc và toàn diện các hoạt động công đoàn, những mô hình mới, cách làm hay, những tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của người lao động… Đặc biệt, các nội dung liên quan đến chính sách pháp luật lao động, những chủ trương mới của Đảng, Nhà nước đã được Tạp chí Lao động và Công đoàn điện tử phản ánh kịp thời bằng hình thức infographic. Qua đó, giúp cán bộ công đoàn, các đơn vị, doanh nghiệp, và người lao động tiếp thu một cách nhanh chóng, hiệu quả.

An Giang: Quyết liệt đẩy lùi nạn “tín dụng đen” trong công nhân lao động
Lãnh đạo Tạp chí Lao động và Công đoàn chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, cán bộ LĐLĐ tỉnh An Giang trong buổi làm việc giữa hai bên vào ngày 25/3. Ảnh: Tr.L.

Đồng chí Nguyễn Nhật Tiến – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang, cho rằng: Thời gian qua, nội dung tuyên truyền của Tạp chí Lao động và Công đoàn đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho công nhân lao động. Trong đó, ấn phẩm An toàn, vệ sinh lao động đã cung cấp những thông tin hữu ích, những tài liệu, kỹ năng, góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn cho công nhân lao động, trong đó có nội dung đẩy lùi vấn nạn “tín dụng đen”.

Đồng chí Nguyễn Nhật Tiến nhấn mạnh: Sự tăng cường phối hợp giữa hai bên trong thời gian tới là rất cần thiết. Ngoài việc phối hợp thông tin tuyên truyền, LĐLĐ tỉnh sẽ xem xét, tăng cường phối hợp trong việc tổ chức các lớp đào tạo trong lĩnh vực An toàn, vệ sinh lao động…

Nhà báo Lâm Chí Công – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn gửi lời cám ơn sâu sắc đến LĐLĐ tỉnh An Giang đã đồng hành cùng tạp chí trong công tác phối hợp tuyên truyền. Qua đó, kịp thời phản ánh sâu sắc tình hình công đoàn, công nhân trên địa bàn. Những năm qua, Tạp chí có nhiều đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, củng cố niềm tin của cán bộ công đoàn, công nhân lao động.

Nhà báo Lâm Chí Công mong muốn, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh An Giang tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng tạp chí trong công tác tuyên truyền.

Hai bên thống nhất thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác truyền thông, mở rộng mạng lưới thông tin đến cơ sở; đặc biệt là đưa ấn phẩm Tạp chí in Lao động và Công đoàn; ấn phẩm An toàn vệ sinh lao động phủ sóng ngày càng rộng khắp đến các đơn vị, cơ sở…

Nguồn: “https://laodongcongdoan.vn/cong-doan-an-giang-no-luc-day-lui-tin-dung-den-trong-cong-nhan-103866.html”

Lượt xem: 5