Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang

Xem với cỡ chữ: A- A A+
Sản phẩm OCOP và hành trình từ sản xuất đến tiêu thụ

OCOP là tên viết tắt của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (One commune one product), nhằm phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn.

OCOP là nỗ lực của người nông dân với mong muốn quảng bá văn hóa địa phương qua những sản vật nổi tiếng. Với tay nghề, kinh nghiệm của cha ông để lại, đồng thời dựa vào đặc điểm vùng miền, khí hậu, thổ nhưỡng… mà các sản phẩm OCOP được hình thành. Ở đó có chút mộc mạc, chút hồn nhiên, chút tự hào và tình yêu quê hương, xứ sở.

Ocop-tieuthusp-1.jpg

Ocop-tieuthusp-2.jpg

Một số sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang

Ví dụ mận hậu Sơn La sẽ rất khác mận của địa phương khác, nước mắm Phú Quốc sẽ khác với nước mắm Phan Thiết, cốm xanh miền Bắc rất khác với cốm dẹp miền Nam, hoặc những sản phẩm từ thốt nốt chỉ có ở An Giang… đấy chính là hồn cốt của OCOP.

Chủ thể OCOP có khi vừa là người gieo trồng, thu hoạch, chế biến, sản xuất; vừa là người quảng bá, tiếp thị, kiêm nhà phân phối và bán hàng; vừa là chủ, vừa là người làm công… Cái lớn nhất mà họ có được là công sức, niềm tin, khát vọng và tình yêu với những sản vật đặc trưng của địa phương, đồng thời mong muốn được gìn giữ và phát huy kinh nghiệm, tay nghề, bí quyết của cha ông để lại.

Tuy nhiên, hôm nay là nông dân, ngày mai đã trở thành doanh nhân, họ ít tiếp xúc, ít va chạm và ít kinh nghiệm đối với thương trường và xu thế tiêu dùng, nên gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nguồn nguyên liệu có giới hạn, nguồn nhân lực chủ yếu từ gia đình, công nghệ còn hạn chế, thiết bị đơn giản, kinh nghiệm thiếu, vốn thiếu, thị trường không, thương hiệu không…

Với tất cả những khó khăn nêu trên, sản phẩm OCOP làm thế nào để cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp của các nước láng giềng, làm thế nào để thâm nhập vào các hệ thống siêu thị hiện đại, làm thế nào để chứng minh và chinh phục người tiêu dùng về tính ưu việt của sản phẩm, làm thế nào để người tiêu dùng biết đến sản phẩm “vùng sâu, vùng xa” này được?

Vấn đề đó chỉ có thể nhờ vào sự quảng bá, kết nối của các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp, thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, hội nghị… Các hoạt động này giúp doanh nghiệp từng bước tiếp cận, giới thiệu sản phẩm đến với công chúng, người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh, xác lập uy tín… Điều đó càng quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhỏ và siêu nhỏ.

Thực hiện tốt việc xúc tiến, quảng bá, kết nối là từng bước thúc đẩy sản xuất ở khu vực nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm địa phương, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nếu việc chọn lựa, xây dựng, phân hạng sản phẩm tốt đến đâu, mà không được xúc tiến để tiêu thụ, thì mọi việc đều trở nên vô nghĩa. Do đó, sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tổ chức các sự kiện và tham gia các sự kiện cùng doanh nghiệp là rất cần thiết, trên quan điểm “trao cần câu chứ không trao con cá”.

 Ocop-tieuthusp-3.jpg

Hội nghị nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP và kết nối sản phẩm

Ngoài công tác xúc tiến thương mại, sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho doanh nghiệp cần đa dạng hơn, thông thoáng hơn; trách nhiệm của cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp cần cao hơn, năng động hơn; giúp các chủ thể OCOP ổn định và phát triển nhanh hơn, nhiều hơn.

Một mặt, ngành chức năng cần khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các chương trình mục tiêu và nguồn lực khác một cách tích cực và linh hoạt, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất và kinh doanh. Mặt khác, Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kiến thức và kỹ năng về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến bao bì, tìm kiếm thị trường, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhìn chung, những cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp cần cảm thông, chia sẻ và kiên trì để giúp đỡ và đồng hành với các chủ thể. Điều đó là góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, giúp doanh nghiệp địa phương ngày càng phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động nông thôn, đạt mục tiêu “ly nông bất ly hương”.

Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp dù quan trọng thế nào, cũng chỉ là nhân tố thúc đẩy, không phải là nhân tố quyết định. Trái lại, sự thành công của mỗi thương hiệu phụ thuộc vào chính chủ thể OCOP.

Trước hết, các chủ thể cần định hướng chính xác về sản phẩm mà đơn vị mình lựa chọn. Nó có phải là thế mạnh thật sự hay không, có phải là tinh hoa của quê hương, làng nghề, truyền thống… hay không? Ví dụ, đông trùng hạ thảo, trà mãng cầu, vỏ bưởi… là sản phẩm mà địa phương nào cũng có hoặc có thể sản xuất được. Trong khi đó, các sản phẩm đặc trưng của An Giang có lợi thế cạnh tranh cao như măng tre rừng núi Cấm, thốt nốt, trái chúc, trái cây sấy… thì ít được tập trung khai thác thành sản phẩm. Có hiểu rõ và tập trung vào thế mạnh mới có thể gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường và chinh phục người tiêu dùng.

Bên cạnh việc xác định hướng đi đúng đắn cho sản phẩm, chủ thể OCOP cần nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến tiêu thụ, chủ động học tập và tiếp cận nhanh với công nghệ số để chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử… Tất nhiên, hành trình này còn rất dài và đầy gian khó, cần sự kiên trì, cố gắng và chung tay từ nhiều phía. Song, với sự quyết tâm của người nông dân, sự đồng hành của Nhà nước, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này.

Lê Trung Hiếu

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang

https://www.angiang.dcs.vn/Lists/KinhTe/DispForm.aspx?PageIndex=0&ID=440

Lượt xem: 7