Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang

Xem với cỡ chữ: A- A A+
Phát huy vai trò Ban Nữ công trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi lao động nữ.

Phát huy vai trò Ban Nữ công trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi lao động nữ.

Cẩm Tú

Công tác chăm lo dành riêng cho lao động nữ (LĐN) luôn Ban nữ công công đoàn các cấp quan tâm. Tuy nhiên, thực tế ở một số nơi vẫn còn hạn chế, đòi hỏi có sự đổi mới, có giải pháp tích cực hơn để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho LĐN.

Được thụ hưởng nhiều lợi ích từ Công đoàn

Với nhiều chính sách đổi mới của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng việc tham mưu của Tổng Liên đoàn với Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu tiên cho LĐN nói chung và trẻ em con người lao động nói riêng. Theo đó, tại tỉnh An Giang, Ban Tuyên giáo – Nữ công LĐLĐ tỉnh đã tích cực tham mưu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ triển khai kịp thời các văn bản, tổ chức các hoạt động đặc thù về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động nữ công. Đặc biệt, thành lập Ban Nữ công (BNC) quần chúng tại các công đoàn cơ sở, nhất là CĐCS doanh nghiệp. Qua đó, đã thành lập 14 BNC quần chúng cấp trên trực tiếp cơ sở, 960 BNC quần chúng ở các CĐCS với 3.043 ủy viên, đạt trên 200% so với chỉ tiêu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao, trong đó, có 85 BNC quần chúng CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (đủ 10 đoàn viên trở lên).

Tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Pháp luật Lao động, Luật Công đoàn và các chính sách liên quan trực tiếp đến LĐN tại các doanh nghiệp, các Tổ Tự quản nhà trọ công nhân qua hình thức Gamshow, Hội thi Tuyên truyền pháp luật Lao động, Hội thi Tìm hiểu Luật An toàn giao thông đường bộ, Hội thi Rung chuông vàng… Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề bình đẳng giới, kỹ năng làm cha làm mẹ, chăm sóc sức khỏe sinh sản; tổ chức mô hình “Sức khỏe của bạn” kết hợp với khám chuyên khoa, cấp thuốc miễn phí; tổ chức giao lưu gặp mặt cán bộ nữ công tiêu biểu. Cùng đó, ưu tiên xét hỗ trợ nhà “Mái ấm công đoàn” cho LĐN doanh nghiệp ngoài Nhà nước, thăm hỏi, hỗ trợ LĐN có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời ưu tiên xét trao học bổng Tôn Đức Thắng, quà “Tiếp sức đến trường”, bảo hiểm y tế, hỗ trợ trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo… cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Trung bình mỗi năm có hàng chục ngàn lượt LĐN được thụ hưởng các quyền lợi, với số tiền trên 10 tỷ đồng, đồng chí Nguyễn Nhật Tiến, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đã chia sẻ.

Tham gia xây dựng thỏa ước lao động tập thể, thuyết phục chủ doanh nghiệp ký các điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ, cao hơn so với quy định của pháp luật. Tham gia cùng đoàn kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp có đông LĐN, tổng hợp nhiều ý kiến, đề nghị các cấp có thẩm quyền và người sử dụng lao động có biện pháp giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Nhờ đó, các chế độ chính sách đối với LĐN trên địa bàn tỉnh như: Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động đều được thực hiện tốt.

Ở các doanh nghiệp, ngoài các chế độ theo quy định, BNC CĐCS còn đề nghị và được chủ doanh nghiệp trợ cấp thêm cho LĐN khi sinh con hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt hơn cho LĐN lớn tuổi hoặc đang trong thời kỳ thai sản; đầu tư xây dựng, trang bị công nghệ mới, từng bước khắc phục các yếu tố độc hại, đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất, cải thiện bữa ăn giữa ca, tặng thưởng các sáng kiến, sáng tạo có giá trị làm lợi cao cho doanh nghiệp… Đặc biệt, tham mưu Ban Giám đốc tổ chức các hoạt động vui chơi, hội thi, hội thao, toạ đàm, du khảo về nguồn kết hợp tham quan nghỉ mát, tặng quà cho LĐN, quà cho LĐN có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, 20-10; tuyên dương tặng quà cho con người lao động có thành tích học tập tốt, tổ chức vui chơi, tặng quà cho con người lao động nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu…

Chị Phan Thị Thuỳ Linh, Trưởng Ban Nữ công CĐCS Cty CP Dược phẩm Agimexpham chia sẻ: để các chị em phát huy hết năng lực, sở trưởng, tạo tâm lý thoải mái trong lao động, sản xuất, trong công việc tôi thường xuyên tranh thủ thời gian để nắm bắt tâm tư tình cảm, cũng như những trở ngại để kịp thời tham mưu Ban giám đốc hỗ trợ, giúp đỡ. Đặc biệt, đề xuất Ban giám đốc cải thiện bữa ăn ca, tăng chế độ bồi dưỡng cho chị em như: tiền lương, tiền thưởng, phân công công việc theo sức khoẻ, độ tuổi… đồng thời vận động chị em tích cực tham gia phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” bằng những sáng kiến, giải pháp cụ thể trong sản xuất.

Cần tiếp tục quan tâm đến lao động nữ

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp thuộc ngành thủy sản, may mặc gặp nhiều khó khăn, thu hẹp sản xuất, lao động thiếu ổn định, sụt giảm tiền lương… ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của LĐN. Một số Ban Nữ công chưa phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, do hoạt động kiêm nhiệm, tập trung cho hoạt động sản xuất – kinh doanh. Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Giỏi việc nước, chia sẻ việc nhà” ở các CĐCS doanh nghiệp triển khai mờ nhạt. Một số đơn vị không có nhiều hoạt động chăm lo thường xuyên, liên tục mà chỉ tổ chức các hoạt động nữ công tập trung vào dịp kỷ niệm 8/3 và 20/10… Kinh phí hoạt động về giới chưa cân đối. Công tác tuyên truyền giáo dục trong lao động nữ còn gặp nhiều khó khăn, chưa được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo doanh nghiệp…

Đồng chí Nguyễn Nhật Tiến cho biết: để LĐN, trẻ em con đoàn viên, người lao động luôn được quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đề ra một số giải pháp trong thời gian tới.

Sẽ tổ chức tọa đàm để phân tích, trao đổi, nhận thấy rõ được vai trò và tầm quan trọng của BNC quần chúng tại các CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, làm rõ thực trạng hoạt động của BNC có những thuận lợi và khó khăn.

Các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung vào các nội dung: Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, các văn bản có liên quan trực tiếp đến lao động nữ, về bình đẳng giới. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp ủy đảng và kiến nghị các cấp chính quyền, lãnh đạo doanh nghiệp trong thực hiện đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nội dung, hình thức hoạt động nữ công phải tiếp tục đổi mới để phù hợp với tâm lý, đối tượng, khả năng tham gia của nữ LĐN…

Lao động nữ (LĐN) trên địa bàn tỉnh chiếm trên 48% tổng số đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Trong đó, khu vực ngoài Nhà nước có 17.268 đoàn viên, sinh hoạt tại 216 công đoàn cơ sở, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thuỷ sản và may mặc.

Nữ công nhân lao động tham dự buổi tuyên truyền pháp luật

LĐN được chăm sóc sức khoẻ qua mô hình “Sức khoẻ của bạn”

 

Lượt xem: 39