Từ thực tiễn tại An Giang cho thấy, để nâng chất hoạt động Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp đáp ứng tình hình mới, cần dựa vào 4 trụ cột.
Theo ông Tô Minh Lắm – Trưởng Ban Chính sách, pháp luật và Quan hệ lao động – Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang, cũng như các tỉnh, thành phố cả nước, hoạt động Công đoàn (CĐ) tỉnh An Giang đang đứng trước những thách thức hệ trọng.
Số lượng công nhân (CN), lao động (LĐ) tăng nhanh, hoạt động CĐ tiếp tục mở rộng và dịch chuyển mạnh sang khu vực ngoài Nhà nước. Cùng với công cuộc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động (NLĐ) tại doanh nghiệp (DN)… sẽ tạo nên nhiều thách thức cho tổ chức, hoạt động của CĐ, nhất là hoạt động tại các Công đoàn cơ sở (CĐCS) tại DN.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ… mà còn ảnh hưởng đến vai trò CĐ Việt Nam trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong DN.
Từ thực tiễn tại An Giang, theo ông Lắm, để nâng chất hoạt động CĐCS tại DN cần dựa vào 4 trụ cột.
Trước hết là nâng chất cán bộ CĐCS để phát huy việc tập hợp, thu hút và đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho ĐV, NLĐ. Trong đó, ưu tiên chọn cán bộ là người trưởng thành từ hoạt động thực tiễn, có uy tín, nhiệt tình, tâm huyết với phong trào CN, LĐ, hoạt động CĐ và có khả năng tuyên truyền vận động thuyết phục CNLĐ tham gia vào tổ chức và các hoạt động của CĐ. Đồng thời thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, trang bị những kiến thức cơ bản nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động cần có của cán bộ CĐCS. Bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích để họ gắn bó lâu dài cũng như thu hút cán bộ giỏi tham gia vào công tác CĐCS.
Hai là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CĐCS một cách thiết thực và hiệu quả. Trong đó hướng các hoạt động đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của ĐV, NLĐ, phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh tại DN. Đồng thời gắn với việc phát triển ĐV, thành lập và xây dựng CĐCS vững mạnh và phát động các phong trào thi đua yêu nước.
Ba là nâng cao hiệu quả hoạt động chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐV. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, tư vấn pháp luật LĐ và các chế độ, chính sách của Nhà nước cũng như thực hiện có hiệu quả công tác tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ… cần tập trung thực hiện tốt công tác thương lượng, ký kết và sửa đổi, bổ sung thỏa ước LĐ tập thể… để tạo sự khác biệt về quyền, lợi ích của ĐV với NLĐ.
Bốn là đẩy mạnh truyền thông. Vừa đổi mới hình thức tuyên truyền vận động phù hợp với từng loại hình DN, vừa nắm bắt, xử lý thông tin dư luận xã hội trong ĐV, NLĐ một cách kịp thời, hiệu quả gắn với việc quan tâm tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao… để nâng cao đời sống tinh thần.
https://laodong.vn/ldld-an-giang/nang-chat-hoat-dong-cong-doan-co-so-tai-doanh-nghiep-1389772.ldo
Lượt xem: 16