Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là nhân tố quan trọng để đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình hội nhập quốc tế cùng với việc thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới đang đặt ra nhiều thách thức đối với tổ chức công đoàn (CĐ) nói chung và công đoàn cơ sở (CĐCS) khu vực ngoài Nhà nước nói riêng.
Khẳng định vai trò của công đoàn
Nghị quyết số 20-NQ/TW (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết 02-NQ/TW (khóa XIII) về đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ Việt Nam trong tình hình mới là những văn kiện chỉ đạo quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với công tác xây dựng và phát triển giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam.
15 năm qua, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, từ số lượng 42.673 vào năm 2008 đến cuối năm 2023 có 113.642 công nhân, viên chức, lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức cơ sở đảng, kết nạp đảng viên là đoàn viên CĐ trong doanh nghiệp được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh quan tâm, từ năm 2008 đến nay đã bồi dưỡng, giới thiệu 24.238 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động ưu tú cho Đảng kết nạp (khối doanh nghiệp ngoài nhà nước có gần 6.370 người). Kết quả đã kết nạp Đảng được 11.486 đảng viên (1.904 đảng viên thuộc doanh nghiệp ngoài nhà nước).
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, LĐLĐ tỉnh và CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch “Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS giai đoạn 2020 – 2025”; Kế hoạch “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán CĐCS, nhất là khu vực ngoài nhà nước, giai đoạn 2021 – 2025”; Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW. Nhiều mô hình, cách làm mới được xây dựng, triển khai như: Mô hình “Sát cơ sở, gần công nhân”, nhân rộng mô hình “3 an” (an toàn, an tâm, an ninh) trong doanh nghiệp; mô hình “Tổ nhà trọ tự quản công nhân”, chương trình “Đến với nhà trọ công nhân”.
Chuyển biến tích cực
CĐ vẫn là điểm tựa vững chắc, khẳng định vai trò chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp vì đoàn viên, người lao động, nhất là trong môi trường doanh nghiệp. Theo Chủ tịch CĐ các khu công nghiệp tỉnh Trần Lưu Phong, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong tình hình mới, việc tham gia xây dựng và thưc hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Người lao động tại doanh nghiệp được đảm bảo quyền dân chủ góp phần tích cực xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, từ đó xây dựng tổ chức CĐ càng vững mạnh.
2 khu công nghiệp: Bình Hòa (huyện Châu Thành) và Bình Long (huyện Châu Phú) hiện có 11 CĐCS tổng số gần 16.000 đoàn viên. Qua thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể…, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, đặc biệt doanh nghiệp FDI xem đây là một trong những nội dung, tiêu chí thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đảm bảo cam kết theo yêu cầu của khách hàng. Các doanh nghiệp cũng chủ động và đa dạng hình thức công khai thông tin về chế độ chính sách của công ty, quyền, nghĩa vụ của người lao động; việc trích và sử dụng các loại quỹ; tiền lương, bảo hiểm, thu nhập…
Công ty TNHH NV Apparel – doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% Thái Lan với hơn 3.400 lao động, trong hoạt động sản xuất – knh doanh, nhờ sự chung tay góp sức của Ban Giám đốc, Ban Chấp hành CĐCS và chuyên môn có sự lãnh đạo đúng hướng nên tình hình sản xuất của công ty vẫn ổn định và tăng trưởng, đời sống nhân viên được cải thiện đáng kể. “Đoàn viên, người lao động không chỉ được chăm lo mà còn được tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức văn hóa, đào tạo tay nghề đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” – Chủ tịch CĐCS Trừ Thị Tuyết Vui chia sẻ.
Yêu cầu trong tình hình mới
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang Đỗ Kim Yến cho rằng, tình hình kinh tế hiện nay rất khó khăn, khi doanh nghiệp gặp khó, kéo theo người lao động cũng bị ảnh hưởng, đó là gốc rễ của vấn đề. Muốn giải quyết cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khi doanh nghiệp phát triển thì thu nhập người lao động mới cải thiện. Hiện nay, các cấp CĐ quan tâm chăm lo rất mạnh cho đoàn viên, người lao động qua các chính sách chăm lo nhà ở, Tết, hỗ trợ vay vốn… Cần có thêm những chính sách quan tâm hơn đối với lao động nữ, nhất là những lao động mẹ đơn thân.
Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII được ban hành sau khi Luật Lao động được Quốc hội thông qua. Bộ luật Lao động (năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021), quy định cho phép người lao động được thành lập tổ chức đại diện cho mình tại doanh nghiệp, ngoài CĐ Việt Nam, gọi là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Hình dung dễ hiểu, đây là tổ chức “cạnh tranh” với tổ chức CĐ, bên nào có số đông thì tổ chức đó “mạnh” hơn. Luật Công đoàn (dự thảo) cũng quy định về kinh phí công đoàn 2%, trích 75% chăm lo cho người lao động. Đơn vị nào có tổ chức người lao động nhiều hơn thì kinh phí được chia cho tổ chức đó (tính theo thành viên số lượng).
Từ thực tế đó, Bộ Chính trị yêu cầu Tổng LĐLĐ Việt Nam xem chỉ tiêu kết nạp đoàn viên là nhiệm vụ trọng tâm. Khó khăn này không chỉ riêng tỉnh An Giang mà là tình hình chung cả nước. Chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ 2023-2028 phải phát triển 18 triệu đoàn viên, hiện nay cả nước chỉ mới đạt 11 triệu. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Thành Sĩ nhấn mạnh: “Phát triển đoàn viên gắn liền với chăm lo, tặng quà những dịp Tết, Trung thu, ngày lễ… chỉ là phần “ngọn”. Cái “chính” là phải đối thoại, thương lượng, làm sao cho người lao động thụ hưởng tốt hơn, với môi trường lao động cải thiện ngày càng tích cực, quyền lợi nhiều hơn, chính sách lâu dài hơn…”.
Do đó, thời gian tới, tổ chức CĐ tập trung giải quyết những khó khăn, chỉ tiêu khó đạt. Đó là đẩy mạnh xây dựng Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; nâng cao hiệu lực quản lý của cơ quan nhà nước bằng pháp luật; giải quyết những bức xúc khó khăn của người lao động về việc làm, nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân tại các khu công nghiệp; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm, bảo hiểm…
Để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, cán bộ CĐCS cần được quan tâm, đào tạo và hỗ trợ sát sao để nâng cao bản lĩnh, có tố chất và dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Hoạt động của CĐCS phải hạn chế tính hình thức, bề nổi, hướng tới các chức năng cốt lõi đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, khẳng định tổ chức công đoàn thực sự là điểm tựa vững chắc của người lao động.
MỸ HẠNH
Lượt xem: 14