Chương trình “01 triệu sáng kiến” nuôi dưỡng phong trào lao động sáng tạo trong CNLĐ
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh, thành công của Chương trình “01 triệu sáng kiến” đặt ra yêu cầu cần tiếp tục quan tâm, nuôi dưỡng phong trào lao động sáng tạo của công nhân lao động (CNLĐ).
Hơn 2 triệu sáng kiến, giá trị làm lợi hơn 33.000 tỉ đồng
Ngày 7/10, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm trao đổi, nhân rộng mô hình, sáng kiến tiêu biểu với chủ đề “Vượt khó, sáng tạo – nâng cao năng suất lao động”. Đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm.
Đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, có sáng kiến mang lại giá trị làm lợi 500 tỷ đồng. Ảnh: Hải Nguyễn |
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và phong trào thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”; quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội, ngày 15/12/2021, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát động Chương trình “01 triệu sáng kiến”- nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19″ (viết tắt là Chương trình “01 triệu sáng kiến”).
Chương trình được xác định là nội dung trọng tâm thi đua chào mừng đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Đây cũng là lần đầu tiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động đợt thi đua từ năm 2022 đến năm 2023.
Chương trình được phát động trong bối cảnh kinh tế – xã hội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đời sống, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, chỉ sau 10 tháng phát động, Chương trình đã hoàn thành chỉ tiêu 1 triệu sáng kiến, sớm 332 ngày so với kế hoạch đề ra. Đã có có 59/82 đơn vị đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Chương trình, trong đó, có nhiều đơn vị có tỷ lệ vượt chỉ tiêu cao.
Nhiều con số làm lợi của các sáng kiến, sáng tạo rất có ý nghĩa. Có sáng kiến làm lợi trên 500 tỉ đồng, nhiều sáng kiến làm lợi trên 100 tỉ đồng, con số làm lợi trên 30 tỉ đồng là rất nhiều.
Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Cẩm Linh |
Tính đến ngày 31/8/2023, đã có 2.409.104 sáng kiến gửi tham gia chương trình, trong đó có 2.033.669 sáng kiến hợp lệ được phê duyệt (đạt 203% chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Theo thống kê của hệ thống phần mềm trực tuyến, tổng giá trị làm lợi của sáng kiến ước tính hơn 33.000 tỉ đồng.
Khởi đầu Chương trình, nhiều cơ sở chưa hiểu rõ
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có vai trò của công đoàn cơ sở và chủ doanh nghiệp trong việc triển khai ý tưởng, ứng dụng sáng kiến; kết quả và sự lan tỏa tinh thần thi đua yêu nước, hỗ trợ đồng nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp; sức lan tỏa phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” thông qua tổ chức các giải thưởng tôn vinh CNLĐ…
Không ít LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn cơ sở chia sẻ, khởi đầu Chương trình không dễ dàng do nhiều nguyên nhân.
Đại diện LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, đầu tiên khi thực hiện Chương trình, các cấp công đoàn chưa hiểu hết nội dung, ý nghĩa nên quyết tâm chưa cao. Chương trình đi qua một thời gian rất dài nhưng mới có 15 sáng kiến. Trong khi tổng số sáng kiến LĐLĐ tỉnh được giao là 6.500 sáng kiến.
Sau đó đích thân Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đôn đốc, làm việc với các cụm thi đua, vùng miền. Sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chạm đến “lòng tự ái và quyết tâm” đẩy phong trào lên của LĐLĐ tỉnh.
LĐLĐ tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thường xuyên tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hỗ trợ kịp thời cho các địa phương để phong trào phát huy ý nghĩa thiết thực, hiệu quả của nó và thực sự đi vào lòng người.
Trong đó phải kể tới sự vào cuộc mạnh mẽ của cán bộ công đoàn chuyên trách. Đây là lực lượng quyết định thành công của Chương trình.
LĐLĐ tỉnh đã phân công 3 đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách 3 cụm thi đua trực tiếp chịu trách nhiệm về tỷ lệ hoàn thành. Phân công bộ phận chuyên môn vừa đi họp với công đoàn cấp trên cơ sở, xuống dưới cơ sở giúp đoàn viên cập nhật vào máy. Nhờ đó số lượng sáng kiến của Lâm Đồng bứt phá ở giai đoạn 2.
Công đoàn và doanh nghiệp cùng hỗ trợ người lao động
Đồng chí Đinh Sỹ Phúc – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina (Đồng Nai) cho biết, trước đây khi mới triển khai Chương trình, công nhân chưa quen với công nghệ nên dù vẫn nhập các sáng kiến lên hệ thống của Chương trình nhưng không được ghi nhận do không đúng quy định.
Công đoàn Công ty đã có nhiều biện pháp để tăng cường kỹ năng về công nghệ thông tin, giúp người lao động dễ dàng sáng kiến đúng cách lên hệ thống. Công ty có hình thức khen thưởng, tôn vinh kịp thời những sáng kiến cải tiến điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn lao động cho người lao động trong quá trình sản xuất.
Giám đốc Công ty Traphaco Sapa Đỗ Tiến Sỹ chia sẻ, từng làm cán bộ công đoàn nên ông luôn quan tâm, để ý trong quá trình lao động sản xuất có khó khăn, bất cập nào thì tìm cách để cải tiến.
Đồng chí luôn nhận thấy để có sự phát triển thì đổi mới, sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm chi phí sản xuất…
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam – đánh giá, Chương trình “1 triệu sáng kiến” đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đặt ra.
Kết quả của Chương trình là minh chứng cho sự hưởng ứng sâu rộng, thiết thực của công đoàn và người lao động trước chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội. Kết quả của Chương trình đặt ra yêu cầu cần tiếp tục quan tâm, nuôi dưỡng phong trào lao động sáng tạo của CNLĐ để tạo ra mảnh đất màu mỡ giúp họ có thể đóng góp ngày càng to lớn hơn nữa.
Theo đồng chí Trần Thanh Hải, Chương trình thành công nhờ 4 chữ “đồng”: Đồng tình của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp; đồng thuận của đông đảo người lao động; đồng hành của người sử dụng lao động khi đặt vào sự kỳ vọng vào người lao động để tạo ra các sản phẩm chất lượng; đồng tâm của đội ngũ cán bộ công đoàn.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi lời cảm ơn tới các cấp công đoàn, công nhân viên chức, lao động đã thể hiện tài năng, năng lực, nhất là khát khao lao động sáng tạo của mình.
“Khát khao này nếu được khơi dậy, nuôi dưỡng, trân trọng và phát huy mạnh mẽ thì sẽ góp phần không nhỏ vào thực hiện khát vọng phát triển của đất nước cũng như của từng đơn vị, vững vàng trước mọi khó khăn, từ đó có cuộc sống tốt đẹp hơn” – đồng chí Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Theo Tạp chí LĐ và CĐ
Lượt xem: 29