Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang

Xem với cỡ chữ: A- A A+
An Giang: Tiềm năng, khát vọng để phát triển

(TUAG)- An Giang là vùng đất rất giàu tiềm năng, quyến rũ, độc đáo, có một không hai tại Đồng bằng sông Cửu Long mang trên mình vẽ đẹp đặc trưng hiếm có. Nơi vừa có đồng bằng trù phú, màu mỡ được bồi đắp bởi 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu của dòng sông Mê Kông huyền thoại, vừa có đồi núi trải dài từ Đông sang Tây với nhiều cảnh quan tươi đẹp, huyền bí đan xen với hệ thống kênh rạch được quy hoạch để phát triển với tầm nhìn dài hạn.

Về tiềm năng, tỉnh An Giang có thể chia thành 5 trụ cột chính trong phát triển kinh tế – xã hội:

Tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp: An Giang có hơn 80% diện tích đất nông nghiệp, đất phù sa chiếm hơn 44% diện tích đất nông nghiệp, có nguồn nước ngọt quanh năm, khí hậu ôn hòa và 65% dân số lao động nông thôn. Đây được xem là thế mạnh nông nghiệp địa phương để hướng đến thu hút, mời gọi đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, chế biến sâu nông thủy sản, hệ thống logistics, đặc biệt là kết hợp với du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

Tiềm năng về du lịch: Hơn 2000 năm trước, vùng đất này đã chứng kiến sự phát triển rực rỡ và huyền bí của nền văn minh Óc Eo; cùng với những kiến tạo địa chất đặc biệt hàng triệu năm trước ở An Giang đã hình thành quần thể 7 ngọn núi có một không hai giữa vùng đồng bằng “thẳng cánh cò bay”. Núi Cấm, đây là một trong những ngọn núi trứ danh, cao nhất, đẹp nhất vùng với vẻ đẹp huyền bí, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm được ví như Đà Lạt miền Tây đang nghênh đón các nhà đầu tư đến khai thác. Trong khi đó, Lễ Hội vía bà Chúa xứ núi Sam được tổ chức vào tháng 4 âm lịch hàng năm tại thành phố Châu Đốc, được mệnh danh là thành phố du lịch tâm linh nổi tiếng nhất vùng và trong cả nước để thu hút hàng triệu khách thập phương. Ngoài ra, để hòa cùng nhịp điệu phát triển kinh tế, An Giang luôn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng nhằm khai thác du lịch với nhiều lễ hội truyền thống đa dạng như: Lễ Sen Dolta và Hội đua bò Bảy Núi,… Đây chính là nơi hội tụ, giao thoa các giá trị về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và tâm linh của 4 dân tộc anh em, đó là: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Tất cả những đặc điểm này đã tạo nên vẻ đẹp tiềm ẩn của An Giang bên cạnh những con người đôn hậu, chất phát với vẻ đẹp trong sáng, nên thơ giàu lòng mến khách.

Tiềm năng về kinh tế biên mậu: An Giang có tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài gần 100 km, 2 cửa khẩu quốc tế là Tịnh Biên và Vĩnh Xương; 2 cửa khẩu quốc gia Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông, cùng 2 cửa khẩu phụ là Bắc Đai và Vĩnh Gia tạo nên dòng chảy liền mạch và là cửa ngõ giao thương biên giới thuận tiện cả đường thủy lẫn đường bộ giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh với Vương quốc Campuchia và các nước ASEAN.

Tiềm năng về phát triển công nghiệp: Hệ thống giao thông thuận tiện sẽ là đòn bẩy để thu hút các nguồn vốn đầu tư, do đó An Giang đã và đang tập trung nguồn lực nâng cấp và xây dựng mới trên 500 km đường giao thông nội tỉnh và có tính liên kết vùng theo quy hoạch được duyệt để kết nối với các tuyến đường huyết mạch như: Tuyến tránh thành phố Long Xuyên, Tuyến Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đang gấp rút chuẩn bị khởi công xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa quy mô lớn, đồng thời góp phần kết nối thông suốt, rút ngắn thời gian di chuyển, tiết kiệm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ngoài các khu công nghiệp đã được lắp đầy, Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp Vàm Cống với quy mô gần 200ha. Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi đầu tư mới và mở rộng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp và các khu chức năng của khu kinh tế với tổng diện tích cho sản xuất công nghiệp trên 1.500ha, đây được xem là nền tảng vững chắc để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tiềm năng về con người: An Giang là 1 trong các tỉnh có dân số đông nhất Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 1,9 triệu người, trong đó trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động, 62% trong số đó đã qua đào tạo. Tỉnh An Giang luôn xác định nhân tố con người có ý nghĩa then chốt và quyết định trong sự phát triển của tỉnh, do đó An Giang tiếp tục quyết tâm và tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đa ngành của nhà đầu tư, phục vụ cho định hướng phát triển của tỉnh.

Ngoài việc chuẩn bị kỹ về điều kiện hạ tầng, với những con người tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tỉnh An Giang còn vận dụng linh hoạt những cơ chế, chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện của tỉnh và quy định của pháp luật. Đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ sau đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và nông thôn, tỉnh An Giang luôn xem công tác cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính là yếu tố cốt lõi với phương châm “trách nhiệm, thân thiện, nhanh gọn, một cửa” và chuyển đổi tư duy từ “cấp phép, cho phép” sang “hỗ trợ, chăm sóc, phục vụ nhà đầu tư”.

Về khát vọng phát triển: Với quan điểm xem doanh nghiệp là hạt nhân, là trọng tâm trong phát triển kinh tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang quyết tâm thực hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là: “Xây dựng môi trường đầu tư – kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng, thông thoáng, thân thiện; minh bạch chính sách, từng bước xóa bỏ hết rào cản, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất – kinh doanh”.

Với khát vọng ấy, An Giang đã có nhiều sáng tạo, đổi mới và quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp thu hút đầu tư, luôn lắng nghe những đề xuất, khó khăn, vướng mắc kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động; đồng hành cùng với sự phát triển và lớn mạnh của doanh nghiệp.

Nhờ vậy, tiềm năng của tỉnh An Giang đang dần dần được đánh thức một cách bài bản và toàn diện, trong đó sự hoàn thiện về hạ tầng kinh tế đã đóng góp không nhỏ vào việc khơi dậy tiềm năng và phát huy những thế mạnh vốn có của tỉnh. Góp phần vào sự hoàn thiện đó phải kể đến mạng lưới giao thông ngày càng nâng cấp, mở rộng, tính kết nối giữa các vùng kinh tế ngày càng thuận lợi hơn, cùng với đó là sự chuẩn bị về điều kiện để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, hạ tầng xã hội luôn sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi của nhà đầu tư. Đây là sự thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân với mong muốn thực hiện khát vọng về một An Giang ngày càng phồn vinh và giàu mạnh bằng việc khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, xây dựng An Giang trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho các nhà đầu tư./.

https://www.angiang.dcs.vn/Lists/KinhTe/DispForm.aspx?ID=317&InitialTabId=Ribbon.Read

TS. NGUYỄN THANH BÌNH
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Lượt xem: 208