Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang

Xem với cỡ chữ: A- A A+
Nhiều ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Tham dự có đại biểu Quốc hội địa phương, Lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, Lãnh đạo các sở, ngành có liên quan, Ban Chấp hành Công đoàn các doanh nghiệp tỉnh và Đoàn Luật sư tỉnh.

Luật Công đoàn được Quốc hội khoá XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của đất nước. Qua 11 năm triển khai thực hiện, Luật Công đoàn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cụ thể: đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, quy định tài chính công đoàn chưa rõ cơ chế giám sát và việc thực hiện công khai, minh bạch,…. Mặt khác, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã đánh giá những kết quả đạt được và đặc biệt chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn là rất cần thiết, nhằm bảo đảm sự tương thích của hệ thống pháp luật, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.

Tại Hội thảo, đa số đại biểu có ý kiến thống nhất về bố cục, các chương và số điều của dự thảo luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát đảm bảo tính thống nhất của dự thảo luật với các luật khác.

Đại biểu có ý kiến cho rằng Điều 2 của dự thảo luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp có người lao động là người nước ngoài. Tuy nhiên, trong các chương, điều của dự thảo luật chưa quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người lao động là người nước ngoài khi tham gia Công đoàn Việt Nam, từ đó chưa tạo được tính logic trong dự thảo luật. Đề nghị ban soạn thảo làm rõ và quy định chi tiết về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động là người nước ngoài để đảm bảo tính hợp pháp và nâng cao tính khả thi trong luật.

Tại khoản 1, Điều 5: Quy định“Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn”: Có ý kiến đề nghị ban soạn thảo rà soát, bổ sung quy định nội dung cụ thể điều kiện, trình tự thủ tục thành lập công đoàn, vì trong dự thảo luật chỉ đề cập nội dung gia nhập Công đoàn Việt Nam, quy định về việc thành lập công đoàn chưa đề cập tới.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ việc quy định về quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam đối với người lao động là người nước ngoài, vì đây là nội dung mới, chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để quy định quyền tham gia Công đoàn Việt Nam của người lao động là người nước ngoài, cũng như các rào cản về ngôn ngữ, khác biệt văn hóa,…do đó, đề nghị ban soạn thảo xem xét thực hiện thí điểm ở những nơi có nhiều lao động là người nước ngoài sinh sống để phân tích, đánh giá hiệu quả, sau đó mới điều chỉnh, bổ sung vào luật.

Có ý kiến cho rằng người lao động là người nước ngoài khi gia nhập Công đoàn Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và được hưởng đầy đủ quyền lợi như người lao động trong nước. Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Điều lệ Công đoàn Việt Nam sẽ quy định cụ thể cách thức quản lý và hoạt động của tổ chức công đoàn, bao gồm các quy tắc và quy trình để đảm bảo rằng quyền lợi của người lao động được bảo vệ một cách công bằng, hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Tại Điều 29: Đa số đại biểu thống nhất việc tiếp tục duy trì tỷ lệ 2% kinh phí công đoàn, đây là quy định phù hợp. Tuy nhiên, cần thiết phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí. Đặc biệt, trong điều kiện luật cho phép sử dụng nguồn tài chính công đoàn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động thuê.

Tại Điều 36: Có ý kiến đề nghị rà soát các quy định xử phạt vi phạm pháp luật về công đoàn đảm bảo phù hợp, thống nhất với Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị ban soạn thảo xem xét luật hóa việc chuyển đổi số trong hoạt động của công đoàn nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước theo Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn, góp phần thay đổi căn bản và toàn diện hoạt động của công đoàn, đồng thời đảm bảo tính thống nhất với Luật Căn cước và các luật liên quan….

Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tổng hợp để báo cáo Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp thu, hoàn thiện dự án luật làm cơ sở trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (diễn ra vào giữa tháng 10/2024) xem xét biểu quyết thông qua./.

Tin, ảnh NGUYỄN HÙNG

Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

 

Lượt xem: 184